Nghệ An - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh ra rất nhiều bậc kì tài trong lịch sử. Du lịch Nghệ An thường được nhắc đến nhiều với các địa danh, danh lam thắng cảnh như: Cửa Lò, thác Khe Kèm, Vườn Quốc gia Pù Mát, Thác Sao Va, Đảo chè Thanh Chương, … nhưng có lẽ nổi bật nhất là làng Sen - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Cách Thành phố Vinh khoảng 16km, làng Sen (Kim Liên) thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là quê nội của Bác. Đây là 1 trong 4 di tích quan trọng bậc nhất cả nước và cũng là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ.
Giới thiệu Cụm Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An)
Khu di tích Kim Liên được thành lập từ năm 1956, với diện tích 205ha, nằm trên địa bàn xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đây là một trong những di tích quốc gia đặc biệt tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần làm phong phú kho tàng di sản Việt Nam. Khu di tích Kim Liên là nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần Bác về thăm quê. Các di tích đã được bảo tồn và tôn tạo tại Khu di tích Kim Liên gồm hai cụm di tích chính và hàng chục di tích thành phần.
- Cụm di tích Làng Sen - quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh - gồm nhà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cụ cử nhân Vương Thúc Quý, Lò rèn cố Điền, Giếng Cốc, Núi Chung, Sân vận động Làng Sen.
- Cụm di tích Hoàng Trù - quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh - gồm nhà của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại Bác Hồ), nhà thờ chi họ Hoàng Xuân...
- Ngoài hai cụm di tích chính trên, Khu di tích quốc gia đặc biệt Hồ Chí Minh còn có di tích mộ bà Hoàng Thị Loan - Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
CỤM DI TÍCH LÀNG SEN - QUÊ NỘI CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Làng Sen xưa là làng Kim Liên thuộc xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, nay làng Sen thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Làng Sen là mảnh đất quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ nhiều di tích, hiện vật, nhiều kỷ niệm, gắn liền với cuộc sống thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng những thành viên trong gia đình của Người trong những năm 1901-1906 và hai lần Người về thăm quê năm 1957, 1961.
Làng Sen với hệ thống nhiều di tích lịch sử đặc biệt quan trọng như nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà Cử nhân Vương Thúc Quý, lò rèn cố Điền, giếng Cốc, cây đa, sân vận động, đền làng Sen. Ngoài ra còn có khu tưởng niệm, nhà trưng bày, vườn cây lưu niệm và nhiều hạng mục công trình phục vụ công cộng khác. Tất cả đã tạo thành cụm Di tích Làng Sen.
1. Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc:
Khoa thi Hội Tân Sửu năm (1901), Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng dưới triều Nhà Nguyễn, lần đầu tiên làng Sen có người đậu đại khoa, làng đã xuất quỹ công mua một ngôi nhà gỗ 5 gian về dựng trên mảnh đất công của làng rộng 4 sào 14 thước để mừng ông Phó bảng. Khi nhà cửa vườn tược chu tất, nhân dân làng Sen đã xuống làng Hoàng Trù mời ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cùng các con là Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung về sống tại làng Sen.
Về làng Sen ông Nguyễn Sinh Sắc sống cuộc sống thanh bạch, ấm cúng. Ông viết lên xà nhà mấy chữ Hán: “Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng”, nghĩa là “Không lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà ta”. Ông gửi hai con trai học với thầy Cử nhân Vương Thúc Quý.
Khách đến nhà ông Phó bảng chơi thường là các bậc sỹ phu yêu nước đương thời, vì vậy mà các con ông đã sớm được tiếp thu, nhận thức các vấn đề của xã hội, về lòng yêu nước, thương dân.
Năm 1906, ông vào Huế làm quan đem theo hai cậu con trai đi cùng, nhà cửa, vườn tược ông giao lại cho con gái Nguyễn Thị Thanh trông nom.
Sau này vì tham gia hoạt động yêu nước, Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Sinh Khiêm bị bắt, năm 1914 ngôi nhà và khu vườn được giao cho ông Nguyễn Sinh Mợi và ông Nguyễn Sinh Xơng trong họ trông nom.
Năm 1915, Nguyễn Thị Thanh ra tù đã bán ngôi nhà cho một người ở xã Nam Hùng, sau đó người này lại bán cho một người khác ở xã Nam Giang.
Năm 1956, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An có chủ trương khôi phục di tích quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngôi nhà đã được chuộc về dựng trên khu vườn cũ để đón khách về thăm.
Sau hơn 50 năm xa cách quê hương, ngày 16-6-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có dịp về thăm, Người về thăm lại ngôi nhà xưa và nói với mọi người rằng: “Đây là ngôi nhà của ông Phó bảng”, khi đi ra sân có người đề xuất với Bác Hồ xin phép được trồng hoa trong vườn cho đẹp Bác nói: “Hoa khoai cũng đẹp” ý Bác muốn nói rằng trồng khoai lang vừa có củ để ăn nhưng cũng có hoa để ngắm.2.
2. Nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Di tích là nơi ghi dấu tiếng khóc chào đời và sống đến năm 14 tuổi của ông Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Là nơi chứng kiến mọi hoạt động yêu nước và nơi cất giấu vũ khí trong khi hoạt động bí mật của cô Nguyễn Thị Thanh và cậu Nguyễn Sinh Khiêm, anh trai và chị gái của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Di tích là nơi ra đời của liệt sỹ quốc tế Lý Nam Thanh ( Nguyễn Sinh Thản), đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh vệ quốc của Liên Xô.
3. Nhà thờ họ Nguyễn Sinh:
Di tích được xây dựng vào năm 1843, trên nền đất rộng 500m2 thuộc xóm Phú Đầm nay là làng Sen 3 xã Kim Liên, Nam Đàn để thờ phụng tổ tiên dòng họ Nguyễn Sinh.
Thời niên thiếu anh chị em của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường theo cha đến thắp hương cho tổ tiên tại nhà thờ vào những ngày giỗ, tết hàng năm.
Những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi qua đời đều được quy về nhà thờ họ để thờ cúng.
Như vậy, ngôi nhà thờ họ Nguyễn Sinh cũng là nơi thờ phụng cha mẹ, anh chị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 16-6-1957 trong dịp về thăm quê lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lần theo lối mòn ngày xưa vào nhà thờ thắp hương tưởng nhớ tổ tiên. Sau đó Người nói chuyện với bà con trong họ rằng: “Công việc bận, Bác không về thăm được các gia đình trong họ, Bác đến nhà thờ tức là đã đến với bà con trong họ, mong bà con thông cảm”.
4. Nhà cụ cử nhân Vương Thúc Quý, thầy dạy học của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1901-1902):
Thầy Vương Thúc Quý là thầy dạy học của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu ở làng Sen.
Tư chất thông minh, tấm lòng hiếu nghĩa, tư tưởng yêu nước của thầy đã có ảnh hưởng sâu sắc tới cậu học trò Nguyễn Sinh Cung.
Tại đây Nguyễn Sinh Cung đã được nghe và hiểu được nhiều điều về lịch sử, về thời cuộc, để rồi nung nấu thêm ý chí quyết tâm cứu nước sau này.
Ngày 16-6-1957 khi về thăm quê hương lần thứ nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới thầy Vương Thúc Quý, Người nói: “Thầy Vương Thúc Quý là thầy dạy học của Bác thời niên thiếu”.
5. Lò rèn cố Điền:
Lò rèn cố Điền là nơi rèn nông cụ cho bà con nông dân ở làng Sen. Thuở nhỏ khi sống tại làng Sen Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ra đây chơi và giúp cố Điền thổi bễ đập đe.
Những kỷ niệm sâu sắc của thời niên thiếu tại lò rèn cố Điền đã để lại dấu ấn đậm nét trong ký ức của Người.
Sau 50 năm xa cách khi trở về thăm quê vào ngày 16-6-1957, lúc đi từ nhà mình ra ngõ, Người chỉ tay về phía trước và hỏi bà con đi bên cạnh rằng: “Trong này có lò rèn cố Điền, bấy lâu nay còn rèn nữa không?”. Vừa lúc đó con trai cố Điền bạn hồi nhỏ của Người từ trong cổng đi ra, hai người bạn già gặp nhau hết sức vui mừng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm động nói: “Trông ông Điền còn khỏe, lâu nay còn tiếp tục rèn nữa không?”. Ông Điền thưa: “Lâu nay tôi để cho đứa con trai đầu làm” Người động viên ông Điền: “Ừ, tiếp tục rèn để bà con có nông cụ mà sản xuất”.
6. Giếng Cốc:
Giếng này do ông Nguyễn Danh Cốc người làng Phú Đầm đào năm 1708 để lấy nước cho gia đình dùng. Sau này nhân dân trong làng đều ra đây lấy nước về dùng. Để biết ơn người đào giếng người ta đặt tên là giếng Cốc.
Thời gian sống ở làng Sen, Nguyễn Sinh Cung thường ra đây gánh nước về cho gia đình sử dụng, giếng Cốc cũng là nơi để lại nhiều dấu ấn kỷ niệm về thời niên thiếu của Người.
Ngày 16-6-1957, trở về thăm quê, khi đi từ nhà mình ra Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi bà con: “Giếng Cốc nay còn nữa không? Nước giếng Cốc trong và ngọt, nấu nước chè xanh và làm tương ngon nổi tiếng”.
7. Di tích cây Đa, sân vận động, đền làng Sen:
Cây Đa, sân vận động, đền Làng Sen đã đi vào lịch sử là nơi đã chứng kiến hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê, lần thứ nhất vào ngày 16-6-1957, lần thứ hai vào ngày 9-12-1961. Tại đây, Người đã nói chuyện thân mật với cán bộ, đảng viên, bà con nông dân xã Kim Liên. Người ân cần thăm hỏi sức khỏe mọi người, căn dặn mọi người phải thi đua sản xuất thật tốt, đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau để cùng xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
8. Núi Chung: là nơi lúc còn thơ ấu Người và các bạn thường lên chăn trâu, thả diều, đánh trận giả, ngắm nhìn phong cảnh non nước, quê hương. Núi Chung ở vị trí trung tâm xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cả bảy làng của xã Kim Liên: làng Sen (Kim Liên), làng Chùa (Hoàng Trù), làng Sày (Mậu Tài), làng Gáo (Nguyệt Quả), làng Trại (Tính Lý), làng Đình (Ngọc Đình), làng Kẻ Móng (Vân Hội) đều ở quanh núi Chung.
Núi Chung có 9 đỉnh, nhưng sau này bị tác động bởi thiên nhiên cũng như con người nên núi chỉ còn tồn tại 5 đỉnh, trong đó có 3 đỉnh chính. Nhân dân ở đây quen gọi đỉnh núi là động. Đỉnh thứ nhất ở về phía đông, gần làng Vân Hội (Kẻ Móng) gọi là động Móng.
Đỉnh thứ 2 cao nhất gần 50m ở phía sau làng Tính Lý gọi là động Bò. Nơi đây có tọa (miếu nhỏ) thờ ông thần Bò. Nhân dân làng Tính Lý kỵ húy chữ “Bò” nên gọi con bò là con me.
Về phía Tây Bắc, dưới chân động Bò có lăng Tả tướng quân Lê Giác (còn có tên là Lê Dốc), một vị tướng cuối thời Lê, có bãi luyện quân của Tú tài Vương Thúc Mậu và là nơi thuở thiếu thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường lên chơi trò kéo eo và tập đánh trận giả.
Tiếp đến đỉnh thứ 3 có tên là động Đền. Đây là nơi tập trung đền, chùa lớn và nhà thánh của tổng Lâm Thịnh. Tại khu văn hóa tâm linh này có nhà cửa, đền đài tráng lệ, nguy nga.
9. Đền Chung Sơn - Đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tọa lạc trên núi Chung, đền Chung Sơn sau 8 năm xây dựng, mới đây đã được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây là nơi linh thiêng, là đền thờ gia tiên, công trình là sự tôn vinh và đời đời ghi nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình Bác Hồ.
Nằm trong quần thể khu di tích Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An), năm 1991 núi Chung được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Núi Chung nằm tọa lạc tại vị trí trung tâm xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Cả bảy làng của xã Kim Liên: làng Sen (Kim Liên), làng Chùa (Hoàng Trù), làng Sày (Mậu Tài), làng Gáo (Nguyệt Quả), làng Trại (Tính Lý), làng Đình (Ngọc Đình), làng Kẻ Móng (Vân Hội) đều ở quanh núi Chung.
CỤM DI TÍCH QUÊ NGOẠI - LÀNG HOÀNG TRÙ XÃ KIM LIÊN
Cụm di tích Hoàng Trù Tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn cỏ tổng diện tích khoảng 3500 m2 - quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là nơi Người cất tiếng khóc chào đời.
Ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân
Cụ Hoàng Đường (ông ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh) là hậu duệ đời thứ 18 của dòng họ Hoàng Xuân đã dựng ngôi nhà thờ chi nhanh họ Hoàng Xuân để thờ cố nội, ông nội và thân phụ là Hoàng Cương. Cụ Hoàng Đường qua đời (1893), hiệu bụt của cụ do ông Nguyễn Sinh Sắc viết cũng được bài trí thờ ở đây. Ngôi nhà được hoàn thành vào năm 1881 theo kiểu tứ trụ bằng gỗ lim gồm 3 gian, có cửa bàn khoa song tiện. Lúc đầu lợp tranh, mãi đến năm 1930 mới được tu sửa và lợp ngói như hiện nay. Những năm tháng tuổi thơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống ở đây. Người thường theo cha dâng hương hoa, lễ vật lên thờ cúng anh linh tiên tổ.
Theo tộc phả để lại, dòng họ Hoàng Xuân là một dòng họ có truyền thống hiếu học, con cháu nhiều người có nghĩa khí và có công lao với đất nước.
Năm 1927, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, dựng nên nhà Mạc. Con cháu dòng họ này đã phù Lê, diệt Mạc. Thế hệ thứ 6 của dòng họ có người tên là Hoàng Nghĩa Kiều (1540-1587) được vua Lê phong Thái Bảo Hồng quốc công. Đây là ông tổ xa xưa nhất của họ Hoàng ở làng Hoàng Trù.
Ngôi nhà cụ Hoàng Đường - Cụ Hoàng Đường là ông ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngôi nhà của cụ gồm có 5 gian và hai chái, trong đó ba gian ngoài thông với nhà thờ rất thoáng mát. Bộ phản kê ở gian thứ nhất là nơi cụ Đường dạy học. Gian thứ hai có bộ tràng kỷ bằng tre, chiếc án thư với những dụng cụ dạy học như bút lông, nghiên mực... Gian thứ ba có bộ phản dùng làm nơi nghỉ ngơi của thày và trò. Hai gian còn lại là nơi nghỉ ngơi của cụ bà và là nơi sinh hoạt của gia đình.
Cuối năm 1883 ông bà Hoàng Đường tổ chức lễ thành hôn cho hai con là Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Hồ Chủ tịch) và Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại ngôi nhà gỗ 5 gian này. Ông bà đã dựng ngôi nhà tranh ba gian đầu góc vườn phía tây để cho đôi vợ chồng trẻ ở riêng.
Ngôi nhà tại làng Hoàng Trù là nơi bà Hoàng Thị Loan sinh ra và lớn lên, là lớp học đầu tiên ươm trồng tài năng của ông Nguyễn Sinh Sắc.
Đây cũng là nơi ghi dấu những kỷ niệm êm đẹp trong tuổi ấu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngôi nhà chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời
Ngôi nhà tranh 3 gian nằm ở góc vườn phía tây nhà ông bà Hoàng Đường là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới năm lên 3 tuổi. Gian ngoài cạnh cửa sổ có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông, chếch về phía trong là hai giá sách đựng sách thánh hiền. Tại gian nhà này cụ Hoàng Đường thường qua đây trao đổi với ông Sắc về văn chương, chữ nghĩa.
Ngôi nhà này là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời và gắn bó những năm tháng tuổi thơ.
Gian giữa sát phên có chiếc giường nhỏ bằng gỗ xoan, liếp nứa, trải chiếu mộc, chiếc màn bằng vải nhuộm nâu là nơi nghỉ của ông Sắc và bà Loan. Sát bên chiếc giường là chiếc rương gỗ nhỏ dùng đựng lương thực và các vật quí của gia đình.
Chiếc khung cửi đặt ở gian thứ ba là công cụ lao động của bà Loan dùng để dệt vải, dệt lụa nuôi sống cả gia đình. Bà Hoàng Thị Loan vừa dệt vải vừa hát ru con để chồng yên tâm việc bút nghiên. Tại đây còn có chiếc võng gai đơn sơ, nơi xưa kia Bác Hồ đã từng nằm ngủ.
Tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mẹ chăm sóc, vun đắp bằng những làn điệu dân ca bay bổng chứa đựng những ước mơ cao đẹp, hy vọng sâu xa.
Nơi nghỉ ngơi của Bác và anh trai
Ở gian thứ ba có bộ khung cửi dệt vải mà bà Hoàng Thị Loan đã dùng để sống, nuôi chồng ăn học, nuôi con.
Chiếc rương gỗ để ở gian giữa. Đây là món quà ông bà ngoại Bác Hồ đã cho ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan khi ra ở riêng trong ngôi nhà này vào năm 1883
CỤM DI TÍCH MỘ BÀ HOÀNG THỊ LOAN VÀ MỘ CỤ HÀ THỊ HUY - XÃ NAM GIANG
1. Mộ bà Hoàng Thị Loan: tọa lạc trên lưng chừng núi Động Tranh, trong dãy Đại Huệ, thuộc địa phận xã Nam Giang. Mộ được ốp đá hoa cương, bên trên che mái dốc, phía trước sân dựng một tấm bia bằng đá đen, ghi lại tiểu sử và công lao của bà...
Ở làng Sen xưa có phần mộ của cụ Hoàng Thị Loan – thân mẫu của Bác. Năm 1942, ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh ruột của Bác) đã đưa hài cốt cụ bà an táng tại núi Động Tranh, cách làng Sen 5km. Từ chân núi leo lên khoảng 300 bậc đá là phần mộ của cụ bà (người dân Nghệ An đã xây lại phần mộ vào năm 1985). Phần mái che được xây bằng bê tông cách điệu như hình chiếc khung cửi – thuở sinh thời thân mẫu của Bác vẫn dệt cửi để nuôi con.
2. Mộ cụ Hà Thị Hy (bà nội của Bác): được ốp bằng đá granit màu nâu sẫm, sân lát đá đen, 4 cột quyết ở phía trước và phía sau gắn 4 búp sen sứ, màu đỏ thẫm, sát chân mộ đặt một lư hương bằng đá hoa cương màu trắng, phía trên dựng bia đá màu đen...
LƯU Ý KHI ĐẾN LÀNG SEN:
* Thời gian thích hợp để đến làng Sen: Bạn có thể đến Làng Sen vào bất cứ thời điểm nào trong năm, tuy nhiên thời gian thích hợp nhất đó là vào tháng 5. Đây là dịp mà những đầm sen nở rộ, tỏa hương thơm ngát, mang lại một cảm giác dễ chịu xua tan đi cái oi bức, ngột ngạt của nắng gió khắc nghiệt miền Trung.
* Thời gian mở cửa di tích:
- Mùa hè: Sáng: 07:00 - 11:30 Chiều: 13:30 - 17:00
- Mùa đông: Sáng: 07:30 - 12:00 Chiều: 13:30 - 17:00
* Di chuyển đến làng Sen như thế nào?
Di chuyển đến Nghệ An rất đơn giản, bạn có thể dễ dàng di chuyển bằng các phương tiện khác nhau. Từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều có các chuyến bay thẳng đến thành phố Vinh. Bạn cũng có thể di chuyển bằng tàu hỏa xuống ga Vinh hay đi bằng xe khách và xe máy. Từ thành phố Vinh, di chuyển bằng xe Ô tổ, xe Buýt hay xe máy theo đường quốc lộ 49 đến cây số 13 rẽ vào con đường bóng cây xà Cừ cổ thụ.
Cổng vào quê nội - Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên - Nam Đàn
Ăn nghỉ ở đâu: Danh sách khách sạn tại Nam Đàn
ngheantourism.com