Hiếm có loại trái cây nào có đặc tính đặc biệt và kỳ lạ như cam Xã Đoài. Hương vị ngọt dịu, thơm, ăn xong trên môi còn dính chút mật như mật ong khiến cam Xã Đoài 'quyến rũ' được bất cứ người nào từng may mắn được thưởng thức.
Ông Phan Công Hưởng đang nỗ lực cứu cam Xã Đoài khỏi nguy cơ thất truyền - Ảnh: Khánh Hoan
Theo cuốn Lịch sử xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), cam Xã Đoài có nguồn gốc từ châu Phi, được các cố đạo người Pháp mang đến Xã Đoài vào khoảng đầu thế kỷ 19. Không lâu sau, nó tạo nên một thương hiệu cam nổi tiếng mang tên ngôi làng mà nó hợp duyên, làng Xã Đoài.
Hơn 2 thế kỷ “thủy chung”
Nhưng sự “thủy chung” quá mức với mảnh đất này đã khiến cam Xã Đoài trở thành một giống cam “cực đoan”, được người đời ví như một thôn nữ xinh đẹp không chịu bước ra khỏi cổng làng. Giống cam tiến vua chỉ thích ứng thổ nhưỡng ở vùng Xã Đoài có diện tích tự nhiên chỉ vài cây số vuông và điều này đến giờ vẫn còn là một bí ẩn, ngay cả với những nhà nghiên cứu cây trồng. Nhiều thử nghiệm đem giống đến trồng ở làng bên cạnh và các vùng khác đều thất bại. Cây vẫn xanh tốt, cho quả đẹp nhưng hương vị không thơm ngon.
Tính “cực đoan” đã giúp cam Xã Đoài không đánh mất mình dù tồn tại ở vùng đất này hơn 2 thế kỷ, nhưng nó cũng dẫn đến thoái hóa gien và chịu sức ép về đất canh tác. Các vườn cam ngày càng bị lão hóa, thu hẹp và chết dần. Nhiều chuyên gia cây trồng từ Mỹ, Úc đến đây tìm hiểu đều ngạc nhiên trước hương vị đặc biệt và tính độc đáo của cam Xã Đoài. Họ cũng tỏ ra tiếc nuối khi các phương án bảo tồn chưa phát huy tác dụng.
Ông Phan Công Hưởng, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Nghi Diên, lật lại lịch sử của cam Xã Đoài bằng số liệu: Năm 1974, xã Nghi Diên có gần 60 ha cam, là mặt hàng có giá trị kinh tế lớn, xuất khẩu đi nhiều nước. Thế nhưng đến năm 2015, diện tích trồng cam còn 6 ha, trong đó chỉ khoảng 3 ha cam cho quả ngon.
Những vườn cam Xã Đoài lụi dần nhưng hương vị và thương hiệu của thứ quả quý này vẫn sống với thời gian. Cứ đến độ giáp tết, các chủ vườn lại tới tấp nhận điện thoại đặt mua cam. Giá cam bán theo quả, người mua đến tận vườn hái. Dịp Tết 2014, mỗi quả cam Xã Đoài giá 70.000 - 100.000 đồng vẫn không đủ bán, có những quả sót lại chỉ nhỉnh hơn quả chanh, khách vẫn giành nhau mua.
Nỗ lực “giải mã”
Năm 2001, đề án Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi ghép để chọn giống cam sạch bệnh, do Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghiệp Nghệ An thực hiện, với mục tiêu bảo tồn gien quý của cam Xã Đoài. Ông Phan Công Hưởng là người tham gia lập đề án bảo tồn, phát triển cam, đưa cam ra đồng để thay thế cho cây lúa. Theo đề án, dự kiến đến năm 2015 sẽ phục hồi được 50 ha cam Xã Đoài.
Thế nhưng, đề án không đi vào cuộc sống vì người dân sợ cam không thích ứng được với đồng ruộng. Nhìn những vườn cam ngày càng lụi tàn, sợ mất gien cam quý, ông Hưởng mang 10 gốc gửi tại Trung tâm cây giống của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp bắc Trung bộ nhờ bảo tồn. Đến năm 2012, ông tiếp tục đem gần 200 gốc ghép được từ 10 cây cam quý về trồng thử nghiệm trên 3 sào đất ruộng tại cánh đồng Chăm, trước sự nghi ngại của vợ con và nhiều người. Chọn cánh đồng Chăm, vì nơi này trước đây cụ Cửu Đậu đã trồng thành công cam Xã Đoài. Hai năm sau, các gốc cam thử nghiệm cho quả và ông mừng đến rơi nước mắt khi những quả cam bói đầu mùa chất lượng y như những cây cam mẹ. Cận tết năm ngoái, dù chỉ mới cho quả bói, vườn cam đã đem về cho ông gần 100 triệu đồng. Tết năm nay, ông tính chỉ cần bán 50.000 đồng/quả, vườn cam sẽ cho ông khoảng 200 triệu đồng.
www.ngheantourism.com