Tồn tại qua hàng trăm năm, đền Nguyễn Biểu ở xã Xuân Lam (Hưng Nguyên) mang vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng. Đây là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân và du khách thập phương thành kính, tri ân đối tấm lòng trung nghĩa với vua, với nước và khí phách bất khuất trước kẻ thù của Nghĩa liệt đại vương Nguyễn Biểu.
Đền Nguyễn Biểu trên núi Lam Thành xã Xuân Lam được xây dựng từ thời Lê để thờ Nghĩa liệt đại vương Nguyễn Biểu (quê xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông từng đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) thời Trần, phò Vua Trần Trùng Quang chống giặc Minh, giữ chức Điện tiền thị Ngự sử. Khi quân Minh đánh vào Nghệ An, Nguyễn Biểu đi sứ cầu hòa theo lệnh vua. Quan tổng binh nhà Minh là Trương Phụ không khuất phục được Nguyễn Biểu đã giết ông vào ngày 1 tháng 7 năm Quý Tị (1413). Ảnh: Huy Thư
Sau khi Nguyễn Biểu mất, ghi nhận công lao, cảm kích trước khí tiết của ông, người dân đã lập đền thờ ông trên núi Lam Thành. Ban đầu đền chỉ là gian miếu nhỏ làm bằng tranh tre nứa mét; đến thời Hậu Lê mới được xây dựng bằng gạch ngói, gỗ kiên cố. Năm 1913, nhà bái đường và hai hậu cung được xây dựng. Năm 2007, nhân dân địa phương đã trùng tu đền. Đền Nguyễn Biểu được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh năm 2009. Trong ảnh: Đường lên xuống trước cổng đền được ghép bằng những tảng đá ong còn nguyên dấu xưa. Ảnh: Huy Thư
Hiện trong khuôn viên đền rộng khoảng 3.000 m2 có các công trình chính như: Cổng tam quan, bái đường, hậu cung, bia dẫn tích. Cổng tam quan có 4 cột trụ biểu giật cấp tạo thành 3 lối đi liên kết chặt chẽ với các bức tường xuyên hoa cùng 2 nhà hóa vàng ở hai bên. Ảnh: Huy Thư
Trước cổng tam quan, hai bên đều đắp tượng voi chầu. 2 "cụ" voi nằm trên những tảng đá ong cổ xưa. Ảnh: Huy Thư
Trên các trụ biểu của tam quan được trang trí công phu, đều đắp tượng nghê chầu. Đặc biệt, 2 trụ biểu ở giữa không chỉ có kích thước cao lớn, mà 4 góc còn được trang trí đầu chim phượng, phía trên đắp hình nghê chầu khá uy nghi. Trong quá trình trùng tu, tôn tạo năm 2007, những cột trụ biểu bị nghiêng sắp đổ đã được điều chỉnh lại. Một trong 2 con nghê trên cột giữa do hư hỏng đã được đắp lại. Ảnh: Huy Thư
Hai cổng phụ của tam quan và 2 nhà hóa vàng được xây dựng theo kiểu chồng diêm 2 tầng, mái cong, bố cục hài hòa, cân xứng. Ảnh: Huy Thư
Bái đường đền Nguyễn Biểu có 3 gian 2 hồi lợp ngói vảy, phía trước có cột nanh. Trên các cột nanh có đắp hình nghê chầu. Trong lần trùng tu tôn tạo gần đây nhất, nhà bái đường được làm lại, nhưng 2 cột nanh vẫn giữ nguyên. Ảnh: Huy Thư
Bên trong nhà bái đường, gian giữa bài trí bàn thờ cộng đồng, gian bên phải (trong nhìn ra) bài trí bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giữa nhà bái đường có bức hoành phi "Hộ quốc tý dân" (Bảo vệ nước, che chở dân) và đôi câu đối: "Thành Lam tích cổ chung linh địa - Yên Việt song trung kỷ niệm đài" (Thành Lam nơi chung đúc đất thiêng - Yên Việt là đài kỷ niệm của hai bậc trung thần". Bên trái có bài thơ của Vua Trùng Quang tiễn Nguyễn Biểu đi sứ, bên phải là bài thơ "Ăn cỗ đầu người” của Nguyễn Biểu. Hai nhà hậu cung được xây dựng ngang hàng để thờ Nghĩa liệt đại vương Nguyễn Biểu và Tiến sĩ Phan Quốc Hoa (quê Đức Thọ, Hà Tĩnh) hy sinh trong một trận giao tranh với quân nhà Mạc vào năm 1557. Ảnh: Huy Thư
Hàng năm vào ngày 1 tháng 7 âm lịch, người dân địa phương xã Xuân Lam lại long trọng tổ chức Lễ giỗ Nghĩa liệt đại vương Nguyễn Biểu theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Huy Thư
Đền Nguyễn Biểu trên núi Lam Thành là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân và du khách thập phương, bày tỏ sự thành kính, tri ân đối tấm lòng trung nghĩa với vua, với nước và khí phách bất khuất trước kẻ thù của Nghĩa liệt đại vương Nguyễn Biểu. Ảnh: Huy Thư
Nguồn: Báo Nghệ An